"5 không" khi cho trẻ uống thuốc

13/05/2016 | 09:20

Nhiều bà mẹ cho con uống thuốc bằng cách đè ngửa con rồi đổ ly thuốc vô miệng, đặc biệt, gần 10% bà mẹ sử dụng toa cũ và tự mua thuốc cho con uống và 24% bà mẹ thấy con bớt bệnh đã tự ý cho ngưng dùng thuốc…Đây là một số cách làm sai lầm.

Đề tài khảo sát kiến thức của các bà mẹ trong việc sử dụng thuốc cho con của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) mới đây cho thấy, rất nhiều bà mẹ cho con uống thuốc bằng cách đè ngửa con rồi đổ ly thuốc vô miệng, đặc biệt, gần 10% bà mẹ sử dụng toa cũ và tự mua thuốc cho con uống và 24% bà mẹ thấy con bớt bệnh đã tự ý cho ngưng dùng thuốc…Đây là một số cách làm sai lầm, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, khi cho trẻ uống thuốc các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tới 5 điều không nên làm sau đây.

Không cho trẻ nằm ngửa khi uống thuốc

Cho trẻ nằm ngửa rồi đổ ly thuốc vào miệng rất dễ gây ngạt đường hô hấp vì thuốc có thể lọt vào đường khí quản. Đồng thời, thuốc sẽ vướng vào cổ họng, thành thực quản khiến trẻ sặc, sinh ho, gây tổn thương niêm mạc cổ họng.

Khi uống, bố mẹ nên để đầu trẻ ngẩng cao, mặt hơi nghiêng rồi đưa muỗng thuốc vào phía bên trong cằm, không nên cho thuốc vào quá gấp cũng như lấy muỗng ra quá nhanh mà nên chờ cho trẻ nuốt hết thuốc rồi từ từ lấy muỗng ra.

Để giúp trẻ dễ uống thuốc, các bậc cha mẹ cũng nên ưu tiên cho trẻ uống dạng thuốc nước như si-rô, thuốc giọt có dạng ngọt hoặc hòa thuốc viên, thuốc bột với ít nước sôi để nguội, cho thêm ít đường để trẻ dễ uống.

Không sử dụng toa thuốc cũ cho trẻ

Một sai lầm khá phổ biến là nhiều bậc cha mẹ khi thấy trẻ có triệu chứng bệnh giống như những lần trước thường sử dụng toa thuốc mà bác sĩ đã ghi đơn cho trẻ trước đây và tự mua thuốc cho trẻ uống. Điều này có nguy cơ gây ngộ độc và lờn thuốc ở trẻ.

Một đơn thuốc bác sĩ ghi sau khi khám và chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và chỉ có giá trị trong đợt bệnh đó. Chính vì vậy, nếu cha mẹ tự ý chẩn đoán rồi mua thuốc theo toa thuốc lần trước có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ với nhiều hậu quả khôn lường: bệnh không thuyên giảm, đôi khi diễn biến nặng hơn; sử dụng thuốc không đúng liều lượng vì cân nặng của trẻ có thể thay đổi theo thời gian nên việc điều trị có thể không hiệu quả...

Với những trẻ mắc bệnh nghiêm trọng hơn lần trước mà phụ huynh không có khả năng phát hiện sớm, việc sử dụng lại đơn thuốc cũ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Hơn hết, tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ lâu dần có thể trở thành “sự lạm dụng thuốc một cách tự ý” dẫn đến tác hại không thể lường hết cho trẻ.

Không tự ý ngưng dùng thuốc

Khi thấy trẻ bớt bệnh, nhiều cha mẹ tự ý cho trẻ ngưng uống thuốc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát. Riêng đối với các loại thuốc kháng sinh, tự ý ngưng thuốc có thể gây nên tình trạng kháng thuốc, khó điều trị cho trẻ sau này. Chẳng hạn đối với các bệnh mãn tính như hen, ngay cả khi trẻ không có triệu chứng bệnh thì tình trạng viêm nhiễm vẫn diễn ra âm thầm. Nếu tự ý ngưng thuốc, bệnh hen không được kiểm soát triệt để, trẻ mắc hen với những tổn thương phổi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chức năng phổi suy giảm đến mức không thể phục hồi.

 

 

Không pha thuốc vào sữa cho trẻ uống

Theo khảo sát, có 3% bà mẹ cho thuốc vào bình sữa để trẻ bú. Với trẻ kén ăn, biếng bú hay nhạy cảm mùi vị thì điều này chính là nguyên nhân khiến trẻ sợ bú sữa.

Đặc biệt, các chất khoáng đa vi lượng và các chất hữu cơ (casein, albumin, globulin, lactose, lipid...) trong sữa còn làm chậm sự hấp thu của một số thuốc như kháng sinh cefuroxim; chất canxi trong sữa có thể gây tương tác bất lợi với thuốc khiến trẻ không hấp thu được. Chính vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc ít nhất hai giờ trước hoặc sau khi uống sữa.

Không bỏ qua cữ thuốc khi trẻ bị nôn ói

Theo khảo sát, khi trẻ bị nôn do uống thuốc, gần 25% bà mẹ để đến cữ thuốc sau mới cho trẻ uống lại. Điều này làm cho trẻ uống thuốc không đủ liều khiến lâu hết bệnh. Chính vì vậy, nếu trẻ uống thuốc bị nôn, cha mẹ nên để cho trẻ nghỉ độ một tiếng rồi cho uống bù liều khác.