Xem nhiều nhất
- Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng tại sao nhiều người lại coi nó là 'cái tội'?
- Dấu hiệu nguy hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ không thể lơ là
- Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
- Bí kíp trị ho cho bé
- TP.HCM: Dịch chồng dịch, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, chân tay miệng đồng loạt “rộ mùa”
Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
30/05/2017 | 11:02
Khi thì sụt sùi sổ mũi, khi lại húng hắng ho từng cơn, thậm chí có bé còn sốt cao do viêm họng, khiến bố mẹ nào gửi con đi trẻ cũng lo lắng, hồi hộp theo từng ngày đi học của con.
Các bác sĩ, các chuyên gia thường gọi vui đây là “bệnh nhà trẻ”. Cứ cách vài ba tuần, trẻ con đi học nhà trẻ, mẫu giáo lại ốm. Khi thì sụt sùi sổ mũi, khi lại húng hắng ho từng cơn, thậm chí có bé còn sốt cao do viêm họng, khiến bố mẹ nào gửi con đi trẻ cũng lo lắng, hồi hộp theo từng ngày đi học của con. Nhiều phụ huynh chia sẻ, chỉ trong vòng năm đầu tiên con đi trẻ, con ốm không biết bao nhiêu lần, ảnh hưởng không ít đến công việc của bố mẹ.
Thật ra, điều này được cho là rất bình thường, và không chỉ có những trẻ ở nước ta mới gặp phải tình trạng này mà những cô bé cậu bé đến tuổi đi trẻ ở nước ngoài cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nguyên do là vì đâu nhỉ?
Trên thực tế, dù bé đã được mẹ truyền cho hệ miễn dịch ngay từ trong bào thai nhưng cũng chỉ đủ để bảo vệ bé đến khoảng 6 tháng tuổi mà thôi. Giai đoạn từ 6 tháng đến khoảng 3 đến 5 tuổi là lúc bé dễ bệnh nhất, và đây chính là độ tuổi đi học của con.
Một số nghiên cứu đã được tiến hành và phát hiện rằng, trẻ con khi đi trẻ sẽ ốm thường xuyên hơn. Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Montreal đã tìm thấy rằng trẻ con đi học nhà trẻ, mẫu giáo sẽ dễ bệnh hơn những bé chỉ ở nhà. Nhưng tin tốt lành là những đứa trẻ đó sẽ giảm thiểu tình trạng bệnh khi đến tuổi học cấp 1, nhưng những trẻ không đi học mẫu giáo đến lúc lên lớp 1 lại không được như thế. Về cơ bản, con nít đi trẻ sẽ dễ ốm vào những năm đầu đời nhưng khi cơ thể bé xây dựng được hệ miễn dịch ổn, chúng sẽ ít bệnh hơn về sau.
Theo một nghiên cứu khác được thực hiện ở Canada, bác sĩ Nhi khoa ở Trail BC - Henry Ukpeh - nói rằng chuyện trẻ con bệnh gần như 12 lần trong suốt 12 tháng đầu tiên đi trẻ không phải là lạ lùng, hiếm hoi gì. Nhà trẻ, mẫu giáo là một môi trường lý tưởng để virus lây lan. Nhà trẻ thường được giữ ấm, khá ẩm, trẻ con lại dùng chung đồ chơi trong một không gian nhỏ. Dù các nhà trẻ luôn duy trì việc làm sạch đồ chơi, vật dụng, nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên nhưng rất tiếc là virus vẫn sẽ lan truyền từ trẻ này qua trẻ khác.
Bệnh phổ biến nhất do virus lây lan thường là RSV, cảm lạnh, chảy mũi, nghẹt mũi. Ngoài ra, bệnh phổ biến khác còn có thể là nhóm norovirus gây ra bệnh tiêu chảy, nôn mửa, sốt. Những bé nào bệnh nhẹ sẽ được bố mẹ cho đi khám bệnh rồi hôm sau vẫn tiếp tục đi học vì ở nhà thì chẳng ai trông. Thế là các bé cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ và dĩ nhiên là cùng bệnh. Tuy vậy, vẫn còn những bế bệnh khá nặng, phải ở nhà, nghỉ vài ngày, có khi cả tuần.
Đối với bố mẹ, điều này rõ ràng là cực kì bất tiện, làm gián đoạn công việc của họ. Họ phải nhờ đến ông bà chăm cháu, thậm chí, đôi khi còn phải nghỉ làm để ở nhà trông con vì ông bà ở xa, chẳng thể gửi. Chưa kể đến còn là hàng loạt hóa đơn khám, xét nghiệm thuốc thang… Con bệnh kéo theo hàng loạt vấn đề khác, rõ ràng đây là một trong những điều tồi tệ nhất của các bậc làm cha mẹ. Mà đôi lúc, con bệnh lây sang cả bố mẹ, thế là cả nhà cùng ốm, khổ tứ bề.
Một trong những điều bố mẹ cần làm để hạn chế việc con ốm, con bệnh là là giữ gìn vệ sinh cho con, đặc biệt là trong vài tháng đầu tiên con đi trẻ, trong mùa lạnh, dịch cúm. Hãy tận dụng mọi cơ hội để vệ sinh con, rửa tay ngay khi bạn đón con ở trường, thay quần áo khi vừa về đến nhà. Không chỉ vậy, con cũng cần phải được ngủ đủ giấc vì cơ thể sẽ sử dụng thời gian này để chống lại virus mà con đã tiếp xúc trong ngày.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa sẽ làm tăng khả năng chống lại bệnh tật của con. Cho con uống nhiều nước, bổ sung vitamin theo yêu cầu của bác sĩ, cho cả con và bố mẹ. Dù thực hiện những biện pháp này chưa chắc sẽ giúp con bạn không bệnh nhưng sẽ giảm thiểu được tình trạng bệnh ở con.