Những lý do việc bỏ bỉm mà tập xi tè cho con dưới 6 tháng của mẹ Việt là vô ích

28/07/2016 | 14:38

Theo chuyên gia, trái với suy nghĩ của hầu hết các mẹ rằng mình nên tập xi tè cho bé để trẻ không mặc tã nữa, việc này, thật ra, nên dựa trên ý muốn của trẻ.


Trái với suy nghĩ của hầu hết các mẹ rằng mình nên xi tè cho con để trẻ không mặc tã nữa, việc này, thật ra, nên dựa trên ý muốn của trẻ. Đến thời điểm đi học, con bạn sẽ không muốn phải mặc tã trong khi tất cả các bạn đã biết cách tự đi vệ sinh.

Trong những thông tin được cung cấp dưới đây, TS. Dược khoa Trương Anh Thư đã giải thích rất rõ ràng về nguyên nhân, hậu quả nhằm giải đáp thắc mắc của nhiều mẹ về việc có nên bỏ bỉm mà tập xi tè cho bé hay không?

Mặc tã có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé trai không?

Tiến sĩ Dược khoa Trương Anh Thư đã tốt nghiệp Dược khoa tại trường Dược Thomas J.Long thuộc Đại học Pacific, Mỹ. Cô đã từng làm quản lí tại Walgreens - chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn nhất tại Mỹ và có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm.

Quay về Việt Nam, cô từng làm Giám đốc Dược khoa tại Pharmacity và hiện tại là một trong những người sáng lập ra Công ty Y tế Hello Health Group.

Khi còn nhỏ, tinh hoàn của bé vẫn chưa sản xuất tinh trùng. Tuy nhiên, tinh hoàn được chứa trong một túi da được gọi là bìu và có chứa các tế bào sẽ sản xuất tinh trùng khi bé bước vào tuổi dậy thì.

Việc sử dụng tã lót khiến hạ bộ của bé trai ấm lên đôi chút. Các mẹ đã nghe nhiều ý kiến về việc bìu của bé trai ấm lên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều đó là chính xác. Thậm chí, một nghiên cứu khác cho thấy hạ bộ của bé trai có nhiệt độ mát hơn nhiệt độ cơ thể ngay cả khi bé đang mặc tã.

Chất lượng tinh trùng của nam giới có thể giảm nếu họ ngồi trong thời gian dài hoặc mặc quần áo chật. Cả hai hoạt động đều làm bìu ấm lên. Ngược lại, việc làm mát bìu có thể cải thiện chất lượng tinh trùng nhưng hiệu ứng này được cho là chỉ tạm thời. Dù sao thì điều này cũng không thể xác định hạ bộ của bé trai có bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ hay không.

Nếu lo lắng, bạn có thể cho con sử dụng tã lót cotton, loại không có bọc không thấm nước bên ngoài. Tốt hơn, các mẹ hãy cho bé “thả rông” vài giờ một ngày. Điều này vừa khiến trẻ thoải mái lại phòng ngừa việc bé bị hăm tã.

Tập xi tè cho bé có làm ảnh hưởng đến thận hoặc bọng đái của trẻ?


Th.S – BS Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa thận – Bệnh viện Nhi đồng 2) đã cho biết việc xi tè không ảnh hưởng đến thận, bàng quang như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ trẻ dưới 6 tháng tuổi hầu như không có khả năng ghi nhận tiếng xi tè của mẹ thành một phản xạ có điều kiện.

Các tài liệu khoa học cho thấy mẹ có thể tập cho con tự đi tiểu khi trẻ từ 2 đến 2 tuổi rưỡi. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể tập cho con từ sớm hơn một chút. Hãy xem các dấu hiệu cho thấy "cục cưng" của bạn đã có khả năng kiểm soát bóng đái:

- Bé cảm nhận được tã của mình đã bẩn.

- Bé biết khi nào mình đang tè ra tã và có thể kể/ra dấu cho mẹ biết chuyện đó.

- Mặc dù vẫn mặc tã nhưng bé tỏ thái độ muốn được đi vệ sinh ở nơi vắng người.

- Cuối cùng, bé biết khi nào mình muốn tè và nói với mẹ trước.


Giúp bé chữa chứng tè dầm khi bỏ tã


Việc tập cho con tự đi tè sẽ khá vất vả ở giai đoạn đầu. Nếu muốn bé không bị hăm hay gặp các vấn đề về bộ phận sinh dục, mẹ sẽ phải mất công dọn dẹp “bãi chiến trường” trong khoảng thời gian bé chưa quen với việc bỏ tã. Hãy nhớ là bé cần thời gian để làm quen, các mẹ nhé.

Khi bé tè dầm, bé sẽ cảm thấy cực kì xấu hổ về chuyện đó, và dù bạn tin hay không, việc đó không nằm trong tầm kiểm soát của bé. Khi phát hiện ra chiếc nệm bị ướt, bạn có thể sẽ rất bực tức, nhưng, hãy kiềm chế và có một thái độ tích cực. Thực tế, nếu bạn phạt bé vì tội đái dầm, điều đó sẽ làm vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn và làm tổn thương tình cảm giữa bạn và bé. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích bé và nói với bé rằng chuyện này sẽ sớm qua đi và bé hoàn toàn có thể vượt qua được.

Dạy con dễ dàng đi vệ sinh vào buổi tối


Hãy giúp bé dễ dàng tìm được phòng vệ sinh và sử dụng nó vào buổi tối. Nếu bé sợ bóng tối, hãy sử dụng đèn ngủ ở hành lang và phòng vệ sinh để bé đỡ sợ hơn khi đi vào ban đêm.

Để giúp bé sử dụng phòng vệ sinh vào buổi tối, bạn nên tập thói quen dậy vào ban đêm cho bé, có thể bằng cách đánh thức trẻ dậy để đi vệ sinh trong vài đêm đầu tiên và giúp bé duy trì thói quen này.