Những lưu ý khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm

16/05/2016 | 11:25

Thời gian đầu, bé chỉ nên ăn dặm một bữa, ưu tiên thực phẩm có mùi vị gần giống sữa mẹ; từ tháng thứ 7 có thể ăn nhiều hơn với đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất.

Theo bác sĩ Lê Kim Huệ - Chuyên khoa một về Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trung tâm dinh dưỡng TP HCM, mẹ nên bắt đầu tìm hiểu về những muỗng ăn dặm đầu tiên của bé yêu sau 4-6 tháng đầu đời. Làm sao để bé thích nghi với thực phẩm mới trong giai đoạn quan trọng này, hợp tác để ăn ngoan chóng lớn... là những vấn đề mẹ lo lắng nhất. Bác sĩ Lê Kim Huệ chia sẻ một số lưu ý khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

- Giai đoạn bắt đầu ăn dặm, tại sao bé thường ngoảnh mặt đi hoặc nôn ọe?

- Nhiều mẹ thương con, muốn con cán mốc cân nặng chuẩn theo đúng giai đoạn phát triển, nên cố gắng nhồi nhét cho bé ăn nhiều hơn khả năng tiếp nhận. Tuy nhiên, việc ăn dặm nhiều lần trong ngày sẽ khiến bé ám ảnh mỗi khi đến bữa.

Không ít mẹ than thở rằng, tại sao thức ăn thơm ngon đến vậy, mà trẻ ngửi mùi là ngoảnh mặt quay đi. Mẹ cần biết, nếu đốt cháy giai đoạn với bột mặn, thịt, cá… mà bỏ qua việc cho bé làm quen với thức ăn có hương vị ngọt ngào gần với sữa mẹ, bé sẽ từ chối. Giai đoạn này, khứu giác của bé nhạy cảm và non nớt, chưa kịp tiếp nhận và thích nghi mùi lạ, nên khó tránh khỏi phản ứng sợ và từ chối thức ăn.

 

 

- Làm sao để bé hào hứng chấp nhận thức ăn?

- Có nhiều cách để bé thích thú với thức ăn. Mẹ có thể sáng tạo để biến mỗi bữa thành những trải nghiệm khác nhau. Chẳng hạn như chuẩn bị tô bát có hình mèo vui nhộn hoặc thỏ ngộ nghĩnh, vừa đổ bột vào vừa trò chuyện vui vẻ: "Ôi bột che mất bạn mèo rồi, nếu con ăn hết chỗ này thì bạn mèo mới trèo ra chơi với con được". Tâm lý tốt sẽ kích thích cơ thể bài tiết các men tiêu hóa có lợi, giúp bé hào hứng với bữa ăn hơn.

- Phương pháp nào giúp bé cảm nhận thức ăn và hấp thu dưỡng chất tốt nhất trong giai đoạn này?

- Bữa ăn dặm đầu tiên rất quan trọng. Nếu bé vẫn chưa quen với mùi thực phẩm mới, tốt nhất mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên chế biến các món khoái khẩu, thức ăn có mùi vị gần giống sữa mẹ để bé làm quen. Thời gian đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn một bữa và chút trái cây. Từ tháng thứ 7 trở đi, bé có thể ăn nhiều hơn với đầy đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất

- Khi ăn dặm, mẹ cần chú ý những điều gì?

- Có 3 nguyên tắc giúp bé ăn dặm ngon miệng và vui vẻ, đó là ăn từ loãng đến lỏng, ít đến nhiều, bột ngọt đến bột mặn. Thời gian đầu, mẹ có thể xay nhuyễn thực phẩm để bé dễ dàng nuốt và hấp thu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc Pháp. Đồng thời giúp bé làm quen và đo sức chứa dạ dày bằng cách thử cho bé nhấm nháp một muỗng nhỏ bột loãng hoặc nước cơm, dần dần mới đa dạng hương vị với thịt bò, gà, heo, cá, trái cây, rau củ xay nhuyễn.

- Nhiều mẹ bận rộn việc văn phòng, vậy làm sao cho bé ăn dặm tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng?

- Mẹ có thể tranh thủ thời gian rảnh buổi tối để chuẩn bị thực phẩm và chế biến sẵn các bữa ăn. Nếu bận rộn, mẹ có thể sử dụng các loại bột ăn dặm bày bán trên thị trường, cung cấp đa dạng vi chất dinh dưỡng. Những loại có chứa chất xơ từ yến mạch, lợi khuẩn Bifidobacterium và BB-12TM... sẽ giúp bé phát triển trí não, hỗ trợ tiêu hóa và miễn dịch, cân đối lượng và chất đối với dạ dày tí hon của bé.