- Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng tại sao nhiều người lại coi nó là 'cái tội'?
- Dấu hiệu nguy hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ không thể lơ là
- Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
- Bí kíp trị ho cho bé
- TP.HCM: Dịch chồng dịch, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, chân tay miệng đồng loạt “rộ mùa”
Muôn kiểu dạy con khiến trẻ càng ngày càng hư
16/05/2016 | 16:15
Đôi khi có những cách dạy con cha mẹ vẫn đinh ninh nghĩ là đúng nhưng lại có thể gây "phản tác dụng" đối với trẻ.
Khi trẻ không nghe lời, ép buộc không phải là biện pháp tốt, tuy nhiên được hầu hết các ông bố, bà mẹ áp dụng. Cùng xem qua những sai lầm mà bố mẹ thường gặp phải khi dạy trẻ, biết đâu chúng ta lại đã từng gặp phải tình huống tương tự.
Nghĩ rằng trẻ đã biết tất cả
Nếu trẻ hét lên hoặc chạy xung quanh nhà hàng hay nơi công cộng, cha mẹ sẽ ngay lập tức quát mắng. Tuy nhiên, ở lứa tuổi còn nhỏ, trẻ chưa thế kiểm soát hành vi hoặc cư xử tôn trọng mọi người ở những nơi công cộng. Khi trẻ cư xử không đúng mực, đừng cố mắng trẻ để chúng dừng ngay hành động, hãy giải thích cho trẻ biết nên làm gì khi ở những không gian như vậy. Đừng nghĩ rằng trẻ biết tất cả, vì chúng còn nhỏ nên mới cần được bố mẹ dạy dỗ. Việc dạy trẻ chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và có khi phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng như vậy sẽ dần hình thành được cách cư xử đúng cho trẻ.
Quát nạt trẻ
Bố mẹ luôn có xu hướng quát mắng trẻ không được làm cái này, cái kia như “Đừng có đánh em”, “Không được để đồ chơi lung tung”. Tuy nhiên, hầu hết những lời nói này là vô nghĩa, chúng ta suốt ngày nói “đừng” và “không” đến nỗi lời nói như vậy mất trọng lượng với trẻ. Trong những tình huống trẻ không nghe lời, bên cạnh bảo trẻ không được làm như vậy, bố mẹ nên chỉ cho trẻ nên làm gì thay vào đó. Nếu trẻ nghe lời, đừng quên tán dương trẻ để củng cố, và tăng cường thói quen tốt cho trẻ.
Cha mẹ cũng có hành vi cư xử không đúng mực
Cảm xúc là thứ khó điều khiển, kể cả đối với người lớn. Thật khó để một người lớn có thể cư xử hoàn hảo trong mọi tình huống, cha mẹ cũng có thể tức giận thái quá, la hét và đôi khi là xúc phạm người khác, thiếu lịch sự. Từ những hành động như vậy của cha mẹ, trẻ rất dễ học theo. Trong những trường hợp như vậy, hãy biết nói lời xin lỗi, vì nó thể hiện bạn có trách nhiệm với những hành động của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên giải thích với trẻ về việc tại sao tại hành xử như vậy và đưa ra lời khuyên cho trẻ nên làm gì trong những tình huống tương tự. Một đứa trẻ học rất nhanh từ người lớn vì thế hãy cố gắng cư xử đúng mực, trẻ đang nhìn vào cha mẹ để học tập.
Quát mắng trẻ ngay khi bị làm phiền
Khi trẻ đang nô đùa ngoài sân và làm ồn, cha mẹ ngay lập tức quát mắng và yêu cầu trẻ yên lặng. Thông thường, cha mẹ luôn cảm thấy mình cần phải can thiệp vào mọi việc trẻ làm. Tuy nhiên, hãy biết cho qua một cách có chọn lọc. Thi thoảng trẻ làm những việc mà người lớn có thể cảm thấy phiền toái nhưng với trẻ đó lại là thời gian để khám phá. Nếu không có gì ảnh hưởng đến an toàn, đừng can thiệp hay to tiếng quát mắng, hãy quan sát và chờ đợi, và tìm thời điểm thích hợp để giải thích và hướng dẫn thêm cho trẻ.
Cha mẹ sử dụng thời gian tự suy ngẫm cho trẻ không hiệu quả
Khi trẻ mắc lỗi, nhiều cha mẹ sẽ bắt trẻ vào phòng và tự ngồi suy ngẫm lại việc mình làm. Hãy nhớ, thời gian tự suy ngẫm là một cơ hội để trẻ bình tĩnh, không phải một hình phạt. Một vài trẻ phản ứng tích cực với đề xuất vào phòng ngồi cho đến khi chúng bình tĩnh nhưng một số thì lại cho rằng chúng bị bỏ rơi và sẽ càng tức giận. Cha mẹ nên cân nhắc thời gian để nói chuyện với trẻ, ngồi yên lặng cùng trẻ, ôm trẻ để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Và khi trẻ đã thoải mái, hãy giải thích cho trẻ hiểu và định hướng cho trẻ cách cư xử đúng.
Cho rằng một cách thức dạy dỗ có thể phù hợp với tất cả các trẻ
Khi một bé trai hờn dỗi, cha mẹ có thể nhìn thẳng vào mắt trẻ và nói chuyện. Tuy nhiên, cách thức này chưa chắc đã thành công với các bé gái. Do yếu tố cảm xúc của mạnh hơn nên các bé gái có thể sẽ từ chối lắng nghe. Khi đó, cha mẹ nên áp dụng những cách thức đa dạng để dạy trẻ. Một số trẻ có thể dễ dàng tiếp thu những lời nhắc nhở của cha mẹ nhưng với một số khác, cha mẹ lại cần chỉ ra hậu quả của việc làm đó thì trẻ mới chịu nghe lời. Cứng rắn với trẻ này và nhẹ nhàng, giải thích với một trẻ khác không có gì mâu thuẫn cả, tất cả chỉ là sự khác nhau về nhu cầu và phong cách học hỏi của từng trẻ. Không chỉ có cách dạy trẻ mà những hình phạt mà cha mẹ đưa ra cũng phải phù hợp với cái sai cũng như tính cách từng trẻ.