Ho lâu ngày có phải viêm phế quản?

12/05/2016 | 09:31

Sau khi loại trừ các nguyên nhân ho do lao, áp-xe, giãn phế quản..., những bệnh nhân ho khạc lâu ngày, ít nhất là 90 ngày trong một năm và đã kéo dài 2 năm liên tục sẽ bị coi là viêm phế quản mạn tính.

 



Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính là do sự xâm nhập của vi khuẩn và sự suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Khói thuốc lá và không khí ô nhiễm cũng làm lượng bệnh nhân tăng lên và bệnh nặng hơn. Khi bị viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân thường có các triệu chứng: ho xảy ra nhiều trong năm, từng đợt, dễ xuất hiện khi trời lạnh hoặc thay đổi thời tiết, có thể ho khan nhưng thường ho có đờm màu trắng và có bọt. Khi ho lâu ngày, đờm đặc hơn, màu vàng và có mủ, khối lượng đờm hằng ngày ít nhất 5-10ml, về sau tăng nhiều hơn. Khi tiến triển lâu ngày, thêm biến chứng giãn phế quản hoặc áp-xe hoá, khối lượng đờm có thể hàng chén. Khó thở là một triệu chứng quan trọng, xảy ra ở giai đoạn muộn hơn. Lúc đầu chỉ là cảm giác “trống hơi” nặng nề như bị đè nén trong ngực, dần dần bệnh nhân cảm thấy thiếu không khí thực sự...

Về nguyên tắc, điều trị viêm phế quản mạn tính gồm 3 nội dung chính: chống nhiễm khuẩn mới (bội nhiễm); phục hồi lưu thông không khí; chống nguy cơ suy hô hấp. Bệnh sẽ khó khỏi hoàn toàn vì thời tiết bất ổn định, môi trường ô nhiễm...