Dạy con biết sẻ chia - 8 "bài học" dành cho bố mẹ

16/05/2016 | 16:18

Hầu như ngay từ khi một em bé được sinh ra, các ông bố bà mẹ đã dạy chúng không được chia sẻ: "Không con yêu, cái đó là của mẹ", hay "Không được lấy, đó là của bố" và kèm theo đó là một danh mục cấm của hàng loạt các món đồ "của bố mẹ".

Các bậc làm cha mẹ luôn luôn có sẵn câu nói "Không" đối với những đứa con bé bỏng của mình - khi chúng sờ vào các món đồ mà họ không muốn con nghịch. Không thể trách họ điều này vì chiếc chìa khóa xe có quá nhiều vi khuẩn, son môi có hóa chất và chiếc điện thoại iphone rõ ràng không được sản xuất để thích nghi với việc ngâm trong... nước dãi.

 

 

Mọi chuyện đều diễn ra dễ dàng nhưng thách thức xuất hiện khi lũ trẻ bước vào tuổi chập chững biết đi: Chúng không sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với bất kỳ ai có cùng sở thích (Hãy nhớ rằng, "đồ chơi" theo định nghĩa của bọn trẻ - là bất cứ thứ gì mà chúng sở hữu, đang chơi, muốn chơi, không muốn chơi nhưng muốn giữ,...). Và trong khi người lớn thấy việc họ không thích chia sẻ "đồ chơi" với người khác là điều hoàn toàn đương nhiên thì lại khó có thể chấp nhận hành vi tương tự như thế ở con mình. Người lớn không thường xuyên mời bạn bè đến nhà và cho họ "chơi" với chìa khóa xe của bạn. Người lớn có quyền lựa chọn bạn bè, chơi với ai, gặp gỡ những ai mà họ thích trong khi trẻ con thì không thể tự mình quyết định. Thế nhưng, người lớn vẫn mong đợi - bằng cách nào đó - đứa trẻ của mình có sự trưởng thành về nhận thức để học cách chia sẻ đồ chơi với những đứa trẻ khác (mặc dù hàng ngày chúng thấy bố mẹ không chia sẻ "đồ chơi" với bạn bè của họ).

Trên thực tế, "chia sẻ" là một khái niệm trừu tượng với lũ trẻ. Sự khác biệt giữa chia sẻ với cho đi mãi mãi, hoặc giữa một người mượn đồ chơi với ai đó định ăn cắp đồ chơi là khá mơ hồ trong tâm trí của một đứa trẻ. Cộng thêm việc chúng không có khả năng định hình về thời gian. (Mẹ muốn mình cho đứa kia mượn cái xe ô-tô này trong một phút? Một phút là bao lâu? Khi mẹ nói rằng hãy chờ mẹ một phút để mẹ nói nốt cuộc điện thoại, mình thấy nó dường như kéo dài mãi mãi). Những điều này khó có thể khiến bọn trẻ thấy thoải mái để cho ai đó mượn "đồ chơi" của chúng dù đã hứa rằng chắc chắn sẽ trả lại ngay sau khi chơi "một tí".

Rõ ràng rằng, em bé của bạn cần sự giúp đỡ để "vượt qua chướng ngại vật". Trừng phạt chúng, gọi chúng là "ích kỷ", bắt chúng phải chia sẻ đều phản tác dụng, chưa kể sẽ khiến bọn trẻ hiểu sai về khái niệm chia sẻ, trong khi chìa khóa chính để dạy dỗ con bạn về vấn đề này nằm trong mối quan hệ tin cậy được xây dựng bởi những người bố, người mẹ nhẹ nhàng và tích cực. Và đây là 8 lời khuyên để bạn có thể giúp con biết cách chia sẻ với mọi người:

1. Khi một đứa trẻ cảm thấy an toàn trong mối quan hệ của mình với bố mẹ, khi chúng biết rằng chúng được lắng nghe, khi chúng tin rằng những nhu cầu của mình được đáp ứng nhanh và nhất quán thì những lý do để từ chối sự chia sẻ bị loại bỏ vì chúng không phải sống trong một môi trường liên tục phải chiến đấu. Điều này không nói rằng chúng sẽ thoải mái chia sẻ đồ của mình nếu bố mẹ dỗ dành nhẹ nhàng. Những "chướng ngại vật" vẫn còn và con bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ. Thế nhưng, một số lo lắng về tâm lý đã được xóa bỏ nhường chỗ cho niềm tin và lũ trẻ bắt đầu học cách cho đi.

2. Trong mối quan hệ bố mẹ và con cái, nên chú ý đến mức độ thường xuyên bạn sử dụng từ "Không", hay "của bố" hoặc "của mẹ". Hãy thử thay thế bằng cách nói có tính chất chia sẻ hơn.

3. Nhận thức được rằng, con bạn không được lựa chọn bạn bè khi mới ở lứa tuổi chập chững tập đi và cả chúng lẫn những đứa trẻ cùng chơi không hề có một chút kỹ năng giao tiếp xã hội nào. Vì thế, hãy ở gần để có thể bước đến, giúp chúng giải quyết những khó khăn xảy ra về việc phải chia sẻ đồ chơi như việc giật, kéo, tranh giành một con robot, trước khi cuộc chiến bắt đầu "leo thang".

4. Sử dụng câu từ cụ thể để hướng dẫn bé trong mọi tình huống. Ví dụ, thay vì nói "Đừng có giật mạnh cái cốc đó" bằng cách nói "Con hãy lấy cốc một cách nhẹ nhàng thôi nhé".

5. Kiềm chế phản ứng đáng xấu hổ mà đa số người lớn thường mắc phải đó là la mắng, giật đồ chơi từ tay con để đưa cho đứa trẻ khác hoặc các hình thức trừng phạt khác. Đây không những là biểu hiện của việc mất tự chủ mà còn là hành vi xã hội khó có thể chấp nhận được.

6. Vào ngày những đứa trẻ khác đến chơi nhà, bạn hãy cất các món đồ chơi mà con mình yêu thích đi để tránh những cuộc tranh giành không đáng có. Hãy khen ngợi vài hành vi cư xử tốt của con sẽ giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn để chơi cùng và cho những đứa trẻ khác mượn đồ chơi.

7. Chơi trò chơi chia sẻ với con hàng ngày để thực hành kỹ năng này. Khi con nói "Cái này của con", hãy trả lời bằng một nụ cười, nhặt lên một món đồ của bạn và nói "Còn đây là của mẹ. Mẹ sẽ cho con mượn", và đưa nó cho con. Thường thì em bé của bạn sẽ chạy loanh quanh, tìm lấy món đồ chơi khác của nó và đưa cho bạn để "cho mẹ mượn" và đợi bạn "cho mượn" lại một món đồ khác. Hãy lặp lại trò chơi này nhiều lần sẽ giúp bé hiểu ra rằng bé "cho mượn" một món đồ thì sẽ được mượn lại món đồ khác kèm theo một nụ cười của mẹ.

8. Cuối cùng, hãy nhớ rằng, chia sẻ là một kỹ năng có thể học được và nó sẽ mất một khoảng thời gian để em bé của bạn thành thục việc thực hành. Tạo ra một bầu không khí tin tưởng, một mô hình cho đi và tán thưởng cảm xúc sẽ bao quanh lũ trẻ bằng những suy nghĩ an toàn, nơi chúng có thể phát triển các kỹ năng cần thiết của những mối quan hệ bạn bè thân thiết về sau.