Xem nhiều nhất
- Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng tại sao nhiều người lại coi nó là 'cái tội'?
- Dấu hiệu nguy hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ không thể lơ là
- Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
- Bí kíp trị ho cho bé
- TP.HCM: Dịch chồng dịch, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, chân tay miệng đồng loạt “rộ mùa”
9 mẹo hay dụ bé vâng lời
29/08/2016 | 16:09
Bé yêu đôi lúc cứng đầu, khó bảo và thậm chí chống đối. Không phải bé hư mà có thể trẻ có cảm giác bị ép buộc, không thoải mái hay không được khuyến khích đúng cách.
Bố mẹ có thể khéo léo áp dụng 9 mẹo sau để bé “hợp tác trong vui vẻ”.
1. Mình cùng thi nhé
Trẻ con luôn thích tham gia những cuộc đua và chứng minh mình là người giỏi hơn. Thi xem ai nhanh hơn là một mẹo hay khiến bé hoàn thành công việc trong khoảng thời gian cha mẹ mong đợi. Hơn nữa bé sẽ vui vẻ tham gia vì nó vui và là trò chơi. Bạn có thể đếm hay dùng đồng hồ bấm giờ để nhắc bé nhớ rằng cuộc đua đã bắt đầu. Hãy nhớ mẹo này chỉ áp dụng như trò chơi vui, nó sẽ mất tác dụng nếu bị lạm dụng, thậm chí phản tác dụng nếu kèm theo đe dọa.
2. Ồ, ngạc nhiên quá
Mẹo này vô cùng hiệu nghiệm. Bố mẹ chỉ cần gợi ý rằng “bố mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu con…” với những nhiệm vu bé không muốn thực hiện, và sau đó giả vờ làm ngơ với bé, lờ tịt bé đi để bé có thời gian làm nhiệm vụ. Và khi bé đã xong, bố mẹ nhớ làm mặt ngỡ ngàng “ô, con xong rồi á” để khuyến khích bé. Bé sẽ rất hài lòng và thích làm bố mẹ ấn tượng hơn.
3. Ấy, con đừng làm thế…
Áp dụng khi bé có biểu hiện chống đối kịch liệt với nhiệm vụ được giao. Bố mẹ sẽ giả vờ như phản đối công việc muốn bé thực hiện “Ôi con đừng làm thế! Anh ơi xem này con nó làm thế kia kìa…”. Đặc biệt bé sẽ thích nếu biết chắc rằng khi bé làm việc này sẽ khiến bố mẹ phải làm việc kia. Ví dụ nếu bé đánh răng thật nhanh thì mẹ sẽ phải đọc truyện cho bé (Và mẹ giả vờ không thích phải đọc truyện). Đôi lúc bé thích cảm thấy mình có quyền gây ảnh hưởng tới bố mẹ.
4. Cho mẹ xem con làm thế nào nào
Trẻ con muốn chứng minh khả năng của mình, do đó khiêu khích bé một chút sẽ khiến bé nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ mẹ có thể nói “mẹ không chắc là con biết tự đi giầy, cho mẹ xem con làm thế nào nào” sẽ nhận được phản ứng tích cực hơn là “con biết tự đi thì sao không đi lấy đi”. Đó là bởi cách thứ nhất gợi cho bé hứng thú và cho bé cơ hội chứng minh khả năng, trong khi cách thứ 2 thể hiện thái độ khó chịu và ép buộc.
5. Con giúp mẹ với
Như đã nói, bé thích chứng minh khả năng của mình và thích dạy bảo các em bé hơn. “Con giúp mẹ chỉ cho em cách đi giày với, em chẳng biết làm đâu” sẽ khiến bé đi giày nhanh hơn là yêu cầu thẳng thắn.
6. Con mang được bao nhiêu nào?
Khi muốn bé dọn dẹp đồ chơi, cách tốt nhất là biến đây thành trò chơi thi xem ai mang được nhiều hơn. Khi xong việc mẹ nhớ công bố kết quả và khen ngợi nhé.
7. Giả vờ là…
Rất nhiều bé sợ đi học và do đó không chịu lên xe với bố mẹ mỗi buổi sáng. Nếu bố mẹ gợi ý cho bé như “giả vờ mình là con thỏ nhé, con thỏ nhảy lên xe thế nào? Con chim giang cánh bay lên xe thế nào…” thì bé sẽ rất hào hứng và quên cả lý do bé ban đầu từ chối theo bố mẹ.
8. Ôi chết, mẹ quên…
Bố mẹ có thể tạo cơ hội để bé làm chủ các nguyên tắc trong nhà bằng cách giả vờ quên, cho bé cơ hội nhắc nhở bố mẹ, ví dụ “ôi mẹ quên mất trước khi ăn mình phải làm gì ấy nhỉ?” hay “mẹ không nhớ là trước khi đi ngủ mình làm gì với đồ chơi nhỉ”… Như vậy bé sẽ không có cảm giác bị ép buộc và sẽ chủ động nhớ các nguyên tắc trong nhà.
9. Con cứ hét to nữa lên...
Khi bé đã lên cơn thịnh nộ thì thay vì quát nạt bé, bố mẹ có thể lựa mà khuyến khích bé giải tỏa cơn thịnh nộ một cách tích cực. Bé muốn gào thét, bố mẹ có thể nói “con hét to nữa lên” theo cách động viên và không khiêu khích. Bé sẽ bị bất ngờ vì cách phản ứng này của bố mẹ, khả năng xảy ra là bé sẽ ngừng hét luôn hoặc bé sẽ tiếp tục hét to hơn, nhưng chỉ vài phút sẽ nín. Đó là bởi bé đã được giải tỏa và không bị đè nén, không bị đe dọa.