- Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng tại sao nhiều người lại coi nó là 'cái tội'?
- Dấu hiệu nguy hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ không thể lơ là
- Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
- Bí kíp trị ho cho bé
- TP.HCM: Dịch chồng dịch, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, chân tay miệng đồng loạt “rộ mùa”
5 sai lầm khi hạ sốt cho trẻ
16/05/2016 | 15:16
Sốt cao là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên các bậc cha mẹ thường khó giữ bình tĩnh khi phát hiện con bị sốt và những hành động thiếu kinh nghiệm của mẹ khi áp dụng những biện pháp hạ sốt sai có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Sai lầm thường gặp khi hạ sốt cho trẻ
Không phải cha mẹ nào cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý đúng khi trẻ sốt cao, sự lo lắng và lúng túng của mẹ lại gia tăng theo thân nhiệt của trẻ. Vì vậy không ít phụ huynh hoảng loạn và tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ, kể cả nghe theo những kinh nghiệm dân gian mà không kịp xem xét, tìm hiểu phương pháp đó có đúng và phù hợp với con hay không.
Có 5 sai lầm phổ biến khi các mẹ hạ sốt cho trẻ:
- Lau mát trẻ bằng rượu, cồn, nặn chanh: Rượu, cồn có thể làm mát nhanh nhưng cách này rất nguy hại vì rượu, cồn hay thậm chí một số chất phụ gia gây hại có trong vài loại rượu như thuốc diệt sâu rầy (để khiến cho rượu trong vắt)… có thể thấm qua da khiến trẻ bị ngộ độc. Chanh có thể làm hạ sốt nhưng trong chanh có chứa axit loãng làm bỏng da trẻ.
- Chườm đá lạnh: Các mẹ thường cho nước đá vào túi ni-lông hoặc bọc vải rồi chườm cho trẻ. Cách này chỉ giúp làm mát tại vị trí chườm nhưng lại dễ làm trẻ bị “bỏng lạnh”, gây co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài dẫn đến sốt cao hơn.
- Quấn trẻ quá kỹ hoặc cởi hết đồ của trẻ:Việc ủ ấm quá mức sẽ làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao hơn, gây nguy cơ sốt co giật.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi bị sốt: Không phải lúc nào sốt cũng là do trẻ bị nhiễm trùng và cần uống thuốc. Khi sốt nhẹ, 37,5 – 38o C, chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ.
- Cạo gió, cắt lể để nặn máu độc: cạo gió được xem là phương pháp chữa bệnh dân gian được dùng phổ biến. Tuy nhiên, nếu cạo gió cho trẻ bị rối loạn đông máu, việc cầm máu sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt xuất huyết, bác sĩ không thể xác định được vùng nào xuất huyết do bệnh, vùng nào xuất huyết do cạo gió. Do đó, tuyệt đối không cạo gió, cắt lể khi trẻ sốt.
Hạ sốt cho trẻ thế nào là đúng?
Thực ra, sốt không phải là một căn bệnh như nhiều người lầm tưởng, có những nguyên nhân gây sốt do nhiễm khuẩn cũng có những nguyên nhân gây sốt rất đơn giản như trẻ bị ủ ấm quá mức, sau chích ngừa hoặc do bị chấn thương, phỏng, mọc răng,… Tuy nhiên, sốt cao có thể khiến trẻ khó chịu và xuất hiện triệu chứng đau đầu, tim đập nhanh, gia tăng sự mất nước, muối và các vitamin trong nước. Thậm chí nếu sốt trên 38,50C, trẻ dưới 5 tuổi có thể bị co giật.
Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, các mẹ cần bình tĩnh chủ động tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến hành các bước hạ sốt phù hợp cho trẻ sau đây:
- Để trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, không ủ ấm, không cởi hết đồ của trẻ.
- Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, giảm nhiệt độ phòng, tránh gió.
- Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.
- Cho trẻ uống nhiều nước và các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, dung dịch nước biển khô.
- Cần theo dõi nhiệt độ trẻ bằng nhiệt kế sau mỗi 4 giờ.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng.
Lưu ý khi chọn thuốc hạ sốt cho trẻ
Hiện nay, có nhiều loại thuốc hạ sốt trên thị trường với các thành phần khác nhau như Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin… Những thuốc có chứa Paracetamol được tin dùng cho trẻ do ít tác dụng phụ và an toàn nhất. Thuốc có nhiều dạng và có thể dùng bằng 2 cách: dạng uống và dạng toa dược (viên đặt hậu môn). Các mẹ nên cân nhắc khi dùng thuốc có thành phần Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì Aspirin có thể gây tổn thương não, trong khi Ibuprofen có thể gây các phản ứng khó chịu đến đường tiêu hóa của trẻ.
Ngoài ra, các mẹ cần chú ý theo dõi để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ bắt đầu có một số các biểu bất thường như: sốt cao trên 40 độ; ngủ li bì, khó đánh thức; co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã ăn hoặc bú; mỏ ác phồng cao, cứng cổ; xuất huyết; khó thở; bỏ bú; tiêu chảy...
Miễn dịch của trẻ rất yếu vì vậy cần chăm sóc trẻ đúng cách cả khi khoẻ mạnh lẫn khi bị ốm, cha mẹ nên tự cập nhật kiến thức từ những nguồn tin cậy để hạn chế những rủi ro và nguy hiểm cho trẻ cũng như giúp trẻ duy trì sức khoẻ ổn định. Nhờ vào sự thông thái của mẹ, con sẽ luôn khoẻ, lớn nhanh và mang lại niềm vui cho cả nhà.