3 cách trị biếng ăn ở trẻ hiệu quả tại nhà

16/05/2016 | 15:19

Biếng ăn là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ đang trong độ tuổi ăn dặm hoặc mẫu giáo và với nhiều gia đình bữa ăn không khác gì “cuộc chiến”, là nỗi khổ tâm của nhiều cha mẹ. Vậy, để trẻ thích ăn hay thậm chí là không ghét thức ăn, bạn hãy thử áp dụng 3 cách trị biếng ăn ở trẻ hiệu quả tại nhà dưới đây nhé.

Hãy từ bỏ tư tưởng nhồi nhét

Khi thấy trẻ biếng ăn, cha mẹ thường có tâm lý tìm đủ mọi cách để con ăn được nhiều ăn như tìm mua các món bổ dưỡng, lạ miệng, cho con xem hoạt hình, đi ăn rong và thậm chí là nhồi nhét mặc cho các bé la hét, giãy giụa. Tuy nhiên, đây thực sự là quan điểm sai lầm. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc ép trẻ ăn sẽ làm cho trẻ sợ ăn, lười ăn và có nguy cơ làm tổn thương tình cảm cha me – con cái. Do đó, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, bạn hãy thư giãn bản thân và bỏ tư tưởng này đi nhé.

Thay vì nhồi nhét trẻ phải ăn một loại đồ ăn nào đó vì chúng bổ dưỡng hay đắt tiền, hãy đơn giản là cho trẻ có quyền lựa chọn đồ ăn, để trẻ tự ăn và dừng khi nào bé muốn. Bạn chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ mà thôi. Nếu bé không muốn ăn và đã thấy no, bạn đừng ép, và cũng đừng căng thẳng về điều đó bởi các bé rất nhạy cảm và chúng sẽ nhận ra sự căng thẳng của bạn đấy. Hãy tôn trọng quyết định và quyền tự do của bé.

Tạo cảm hứng để bé ăn nhiều hơn

Tạo cảm hứng ăn uống cho bé cũng là một cách giúp bé thích ăn. Thay vì nói với trẻ “Con thử món này nhé, ngon lắm!” thì bạn hãy ăn món đó một cách thật ngon miệng – thậm chí bạn chẳng cần nói gì bé cũng sẽ tò mò và rất dễ bị “dụ”.

Không chỉ là chọn đồ ăn, hãy khiến bé hứng thú hơn với bữa ăn hàng ngày ở nhà khi bạn cho phép bé lựa chọn đĩa, bát ăn hay cốc uống nước. Bé sẽ mong đến bữa ăn để được tự mình lựa chọn xem hôm nay mình sẽ ăn bát có hình con thỏ hay con hổ? Màu đỏ hay màu xanh?

Một “chiêu” nữa là hãy để bé ăn cùng bàn với mọi người trong gia đình và khuyến khích bé tự ăn. Cách này không những tập cho bé tính tự lập mà còn trao cho bé cơ hội tự lựa chọn đồ ăn mà bé thích nữa.

Để bé có cảm giác thèm ăn, bạn cũng lưu ý là không nên cho trẻ ăn kẹo, bánh trong vòng 3 – 4 tiếng trước khi ăn. Thời gian ăn cũng cần lưu ý, hợp lý nhất là 20 – 30 phút bởi nếu kéo dài thức ăn không còn nóng, không đảm bảo dinh dưỡng và ảnh hưởng tới bữa ăn kế tiếp. Khi ăn, bạn cũng không nên để trẻ xem tivi hay chơi đồ chơi để trẻ “toàn tâm toàn ý” cho bữa ăn nhé.

Ngoài ra, mọi trẻ em đều thích được khen. Chính vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, dù ít hay nhiều, hãy khen ngợi bé một cách nhiệt tình và vui vẻ. “Con vừa ăn thử cà rốt đấy, con giỏi quá! Mẹ rất tự hào về con”. Với cách làm này, bạn sẽ khiến việc bé muốn thử đồ ăn mới không còn khó khăn gì nữa.

 

 

Hoàn thiện dinh dưỡng cho trẻ

Để giúp bé có cảm giác thèm ăn thì bên cạnh “nghệ thuật cho ăn”, bạn cần học thêm “nghệ thuật hoàn thiện dinh dưỡng” cho trẻ. Đây là khâu đặc biệt quan trọng bởi nó tác động trực tiếp đến chiều cao, cân nặng của trẻ.

Để đảm bảo dinh dưỡng, các bé cần phải được cung cấp đầy các chất đạm, đường, mỡ, khoáng chất, vi chất, … Tuy  nhiên, những chất dinh dưỡng này dễ bị “hao hụt” nếu bạn chế biến, bảo quản không đúng cách. Vì vậy, bạn cần “thuộc lòng” một số lưu ý dưới đây nhé.

Đối với các thức ăn có nguồn góc từ động vật, hãy hầm nhừ để bé dễ tiêu hóa. Ngoài ra bạn cũng nên tăng cường thêm các món dễ nuốt hơn và hầu như bé nào cũng thích như: bơ, phô mai, trứng, bơ lạc, sữa chua, … cho bé.

Đối với rau củ, để “dụ” bé ăn rau, thay vì một loại rau, hãy làm một khay rau đầy màu sắc thật bắt mắt và thử đủ các loại rau củ bạn có thể nghĩ ra. Và lưu ý rằng chỉ nên đưa rau củ vào trước khi cho trẻ ăn.

Hãy chia nhỏ bữa ăn ra thành nhiêu bữa mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Ngoài ra, bạn cần chịu khó đổi món cũng như học cách chế biến món mới từ nguyên liệu cũ; hãy chú ý đến hương vị, màu sắc, độ dinh dưỡng để tăng cường sự thèm ăn ở bé.

Cuối cùng, nếu bạn đã cố gắng “hết sức” mà bé vẫn không ăn được nhiều thì có thể cho bé uống thêm sữa có chứa một lượng đủ các dưỡng chất quan trọng trong các bữa phụ hàng ngày để giúp bổ sung đầy đủ các dưỡng chất mà trẻ bị thiếu hụt từ bữa ăn.