- Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng tại sao nhiều người lại coi nó là 'cái tội'?
- Dấu hiệu nguy hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ không thể lơ là
- Ở nhà thì khỏe phây phây nhưng sao cứ đi trẻ, con lại ốm đau liên tục?
- Bí kíp trị ho cho bé
- TP.HCM: Dịch chồng dịch, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, chân tay miệng đồng loạt “rộ mùa”
Nỗi xót xa của mẹ khi con bị ốm
19/05/2016 | 16:14
Có lẽ điều xót xa nhất khi làm mẹ là cảnh con bị ốm, sốt li bì, nằm im trên giường, không cười đùa chạy nhảy như thường nhật.
Con bị ốm. Ho. Sốt. Nôn. Con đã vốn gầy còi lại thêm một trận ốm 10 ngày lại càng gầy guộc. Khuôn mặt nhỏ bé mà cái miệng lại mở to và cả vai rung lên mỗi lần ho. Ngày thường, lắm lúc mẹ hoa mắt cả mắt và phát cáu lên vì con nghịch ngợm, lúc thì nhảy từ sofa xuống nhà, lúc lục tung giá sách, lúc lôi hết hộp gia vị ra. Nhưng bây giờ, con nằm trong chăn, mặt buồn thiu, má hồng lên vì sốt, ngực phập phồng hơi thở nặng nhọc, mẹ chỉ ước lại thấy con đi lại, chạy nhảy, hét to, nghịch phá khắp nhà.
Thế mà con ốm đã 1 tuần rồi. Hà Nội mưa liên miên, trời ẩm ướt, thời tiết thay đổi liên tục khiến trẻ con và người lớn lăn ra ốm. Mỗi lần con ho là tim mẹ thắt lại, lắm khi nhắm mắt không dám nhìn khuôn mặt nhỏ bé của con rúm lại theo tràng ho nhiều. Vừa mới vài phút trước, mắt mẹ còn sáng lên và thở ra nhẹ nhõm khi con ăn thun thút hết veo bát cháo sau cả ngày không ăn gì, thì vài phút sau, cả bát cháo đã bay xuống sàn trong cái thở dài xót xa của mẹ.
Bị ho và khó thở nên buổi tối con cứ quay bên này, quay bên kia, vừa ngủ một lúc lại dậy khóc vì ho liên tục. Mỗi lần như vậy, mẹ lại tỉnh ngủ như vừa nốc một cốc cà phê đen, bế và vỗ về để con ngủ lại. Rồi con sốt cao, cả người nóng hầm hập. Đo nhiệt độ, uống thuốc hạ sốt, lại ôm con vỗ về. Và cứ như thế, lúc sợ con nóng, lúc lo con lạnh, lúc đắp cái chăn con đạp đi, lúc sờ cái khăn ở cổ sợ con quá ấm, mẹ loay hoay cả đêm đến sáng.
Nhưng xót xa nhất vẫn là khi con ốm mà mẹ vẫn phải đi làm. Bà mẹ nào chẳng muốn vứt hết công việc đi ở nhà bế con, đút cho con miếng cháo, cho con ngồi trong lòng rủ rỉ kể chuyện, nhất là khi con nhìn mẹ bằng ánh mắt van lơn, ầng ậc nước: “Mẹ ơi, mẹ ở nhà với con. Con bị ốm sao mẹ lại đi làm?” Nhưng mẹ vẫn phải dứt tay con ra, đặt con vào tay bác hàng xóm trông trẻ cạnh nhà, rồi rồ ga phóng đi trong tiếng con khóc lóc. Biết làm sao được, bà mẹ nào được nghỉ làm 3-4 ngày để trông con, dù con ốm bết xê lết tận chục ngày?
Những ngày con ốm, mẹ cứ quáng quàng lên vừa lo công việc ở cơ quan, vừa khấp khởi gọi điện về nhà, vừa áy náy với sếp vì đi sớm về muộn, lại vừa xót xa với con đang rên rỉ “mẹ ơi, mẹ ơi” ở nhà. Đi về nhà khi bóng tối đã ập xuống, trời mưa và tắc cả đoạn đường dài, cơ thể kiệt sức sau nhiều đêm mất ngủ, nghĩ đến con đợi ở nhà, lắm lúc, mẹ chỉ muốn khóc.
Mẹ bắt đầu nghĩ về những ngày thường nhật đôi khi nhàm chán và mỏi mệt của một bà mẹ: về đến nhà là lao vào nấu ăn, tắm cho con, ăn cơm, rửa bát, tắm cho mình, tranh thủ dọn dẹp và bỏ đồ vào máy giặt trong lúc con xếp hình, chơi đùa với con một lúc rồi đọc truyện cho con trước giờ đi ngủ… Thế mới biết, bình thường như vậy đã là may mắn, cho dù ngoài kia mưa rơi và gió lạnh, cho dù Hà Nội mưa dầm dề hơn cả tháng, miễn sao con yêu của mẹ khỏe mạnh, tươi vui, chạy ào ra cửa reo mừng đón mẹ về.
Bây giờ ao ước lớn nhất của mẹ là con khỏe lại. Rồi trời sẽ nắng lên! Chúng ta sẽ đi công viên chơi, con nhỉ!
Mẹ Cà phê
Yeutretho/ Seatimes