Bố mẹ đừng chủ quan nếu thấy dấu hiệu này ở trẻ sau khi ngã

19/05/2016 | 11:15

Việc nô đùa, sảy chân bị ngã ở trẻ diễn ra quá thường xuyên. Tuy nhiên nếu có những dấu hiệu dưới đây thì bố mẹ đừng chủ quan. Một phút chậm có thể khiến bé bị tổn thương vĩnh viễn.


Từ một câu chuyện có thật...
Bà mẹ có tên là Fhrem Phrimboon người Thái Lan đã chia sẻ câu chuyện của chính con gái chị lên trang facebook cá nhân để lưu ý và cảnh báo các bố mẹ về việc trẻ có thể ngã ra khỏi giường lúc đêm, hôn mê sâu và nguy kịch nếu bố mẹ không biết.
Câu chuyện về lần thoát nạn "đau tim" của bà mẹ trẻ được nhiều bà mẹ chia sẻ: “Đêm trước, tôi cho con ngủ một mình trong phòng ngủ, tôi làm việc cho đến 4 giờ sáng rồi mới đi ngủ. Khi tôi vào phòng ngủ và nhìn thấy bé con tội nghiệp của tôi hình như đang có vấn đề. Tôi liền đi bật đèn sáng, tôi thấy có rất nhiều máu trên mặt của con. Máu chảy ra từ mũi của con, và đã phần nào khô lại. Tôi chú ý quan sát, và nhận thấy rằng máu dây ra từ trên nệm cho xuống tới sàn nhà. Có lẽ con tôi đã rơi xuống mặt đất trong khi ngủ, và sau đó bé đã tự leo lên giường trở lại với giấc ngủ. Nhưng bởi vì có rất nhiều máu, tôi e rằng có thể con tôi đang gặp nguy hiểm, vì bé bị thương như vậy nhưng dường như lại đang ngủ rất sâu, kiểu bị hôn mê. Tôi nhanh chóng lái xe đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Trên đường đi, bé nôn mửa một ít. Con tôi được kiểm tra bằng cách siêu âm toàn bộ vùng đầu, chụp XQ. Cuối cùng, thật may là tình trạng của con bé không quá nghiêm trọng”.
 

Hình ảnh con gái chị Fhrem Phrimboon được chụp lại sau khi mẹ phát hiện ra bé bị ngã vào lúc nửa đêm.


Dòng trạng thái này được rất nhiều bố mẹ chia sẻ, nhiều người tỏ ra lo ngại hoặc lúng túng không biết xử lý thế nào khi con bị ngã và có những dấu hiệu bất thường. Khi trẻ bị ngã, việc chủ quan, không theo dõi và giám sát con thận trọng có thể khiến bố mẹ phải hối hận sau đó.

... Và những lưu ý quan trọng cho bố mẹ

Dưới đây là những dấu hiệu đơn giản có thể nhận biết bằng mắt thường giúp bố mẹ phòng tránh những rủi ro đáng tiếc khi con bị ngã:
     
1. Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 1 phút: Nếu bé bất tỉnh trong thời gian ngắn (dù chỉ vài giây) thì có nghĩa là lực va đập rất mạnh dẫn đến có khối máu tụ trong não. Ngược lại, nếu trẻ khóc thét ngay sau khi ngã thì bố mẹ có thể yên tâm phần nào vì bé vẫn còn tỉnh táo để… phản ứng lại. Việc khóc chỉ là bé quá bất ngờ, sợ hãi và bị đau đôi chút.

2. Lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong hoặc chảy máu trong vài giờ hay vài ngày sau khi ngã. Chảy máu tai sau chấn thương là một trong những triệu chứng của vỡ xương đá phần nằm sâu trong hộp sọ.

3. Thóp của trẻ bị phồng, căng lên hoặc có khối u, cục, sưng lớn ở da đầu. kèm theo vẻ mặt xanh xao.

4. Trẻ có các dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt chân.

5. Rối loạn tri giác sau khi ngã: Ngay sau ngã, trẻ vẫn tỉnh táo không bị ngất nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường (kích động khó dỗ, ngủ nhiều, lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn). Trẻ có thể có biểu hiện kém tập trung, không nhìn vào mắt bố mẹ khi được gọi, được hỏi, không đáp ứng nhanh yêu cầu của bố mẹ.

6. Nôn là dấu hiệu dễ dàng nhận thấy khi não bị chấn thương. Thông thường, khi bị ngã bé có thể bị nôn vì gào khóc. Nhưng nếu nôn , trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ (mà trước đó trẻ bình thường) thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.

7. Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Trẻ bị mất thăng bằng, loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng khi di chuyển…

8. Quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ.

9. Đau đầu liên tục, đặc biệt xấu nếu đau đầu ngày càng tăng.

10. Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một hóa hai).

11. Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã.

12. Màu da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái; nhịp thở không đều, có những đợt thở rất nông hoặc cơn ngừng thở 10-20 giây.

Khi có các dấu hiệu trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nhi có chuyên khoa ngoại thần kinh để được thăm khám, tư vấn và nếu cần có thể phải nhập viện theo dõi.

Chấn thương đầu ở trẻ em sau tai nạn té ngã là một rủi ro thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Bố mẹ hay người chăm sóc trẻ cần lưu tâm để ngăn ngừa rủi ro, hạn chế nguy cơ có thể gây chấn thương đầu cho trẻ.